• Current
  • vami.web68.vn
  • vami.web68.vn
  • vami.web68.vn

Hoạt động Thường trực VAMI Tháng 8/2014


a/ Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí Việt Nam, và nhiệm vụ số 12 ngày 18/6/2014 ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam: “Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí Việt Nam; hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp thành viên tăng cường sự hợp tác, liên kết, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam”, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ Khí Việt Nam trong tháng 8 đã làm việc với Vụ Công nghiệp nặng về việc tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Để chuẩn bị cho nội dung hội nghị triển khai chỉ thị 16/CT-TTg, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức họp một số thành viên Hiệp hội tại phía Bắc và phía Nam để lấy ý kiến đóng góp, đề xuất, tư vấn về cơ chế, chính sách, các đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí, chủ yếu là chính sách thuế, hải quan, xuất nhập khẩu máy, thiết bị, vật tư, và Thông tư 20/2014/TT- BKHCN về nhập khẩu máy và d/c thiết bị đã qua sử dụng,…

Ngoài ra, Thường trực Hiệp hội đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp và đã gửi văn bản đến Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, VCCI. Nội dung các ý kiến tư vấn về cơ chế, chính sách và kiến nghị liên quan đến ngành cơ khí như sau:                                     

*Chính Phủ: Thường trực hiệp hội đã có văn bản số 66/VPVAMI ngày 28 tháng 8 năm 2014 về việc đề nghị vẫn giữ nguyên cơ chế hỗ trợ và cho phép chỉ định thầu các sản phẩm cơ khí trọng điểm theo QĐ số 10/2009/QĐ-TTg. Tại “Điều 1, khoản 2. Chính sách kích cầu:

- Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm hoặc mua sản phẩm cơ khí trọng điểm được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc giao thầu theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm cơ khí trọng điểm được vay vốn tín dụng Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định.”

Từ ngày 01/7/2014, khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thì các sản phẩm cơ khí trọng điểm có được phép chỉ định thầu nữa không?

Về vấn đề trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam kính trình Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ nguyên cơ chế hỗ trợ và cho phép chỉ định thầu bởi các sản phẩm cơ khí trọng điểm này đã được chọn lọc, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, góp phần tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ là nền tảng quan trọng cho việc phát triển các ngành kinh tế khác của quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như định hướng của Đảng và Nhà nước.

  • Bộ tài Chính: Ý kiến của VAMI về lộ trình cắt giảm thuế  nhập khẩu máy móc thiết bị trong  FTAs

          Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam - VAMI đã cử cán bộ tham dự cuộc họp góp ý cho lộ trình cắt giảm thuế FTAs của Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/8/2014 tại Bộ. Hiệp hội VAMI thống nhất với Bộ Tài chính cách tiếp cận và giải quyết lộ trình cắt giảm sâu thuế quan với các Hiệp định FTA cũng như định hướng tận dụng các tỷ lệ phần trăm (%) dòng thuế được linh hoạt và hoá hàng hóa thuộc danh mục nhạy cảm;

-       Thống nhất cách giải quyết, trình tự chọn các phương án ưu tiên khi chuyển đổi từ dòng thuế HS 2007 sang HS 2012.

-       Đây là những năm cuối của việc thực hiện các FTAs, giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước thời gian tới là các rào cản kỹ thuật, thương mại… Theo chúng tôi đây là vấn đề chúng ta còn rất yếu. Vì vậy, cùng với lộ trình cắt giảm thuế, cần phải nhanh chóng định hình hệ thống rào cản để bảo vệ sản xuất trong nước.

-       Trước mắt với các thiết bị trong nước sản xuất được, cần có hệ thống rào cản thích hợp để ngăn chặn việc nhập khẩu máy cũ, bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực  máy nông nghiệp

  • Bộ Khoa học và Công nghệ: Góp ý bổ sung cho Thông tư 20/2014/TT- BKHCN về nhập khẩu máy và dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng

Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định về nhập khẩu máy và dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng; Theo đề nghị của Bộ Khoa học công nghệ, trong khi chờ thời điểm hiệu lực của Thông tư, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã tổ chức họp với đại diện các thành viên khu vực phía Nam và phía Bắc để lấy ý kiến về việc triển khai Thông tư 20/2014/TT-BKHCN.

Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam đã tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và kiến nghị những vấn đề sau:

1. Việc ban hành Thông tư trên là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại để kịp thời ngăn chặn các hậu quả xấu do việc nhập khẩu thiết bị cũ gây ra, bảo vệ sản xuất trong nước.

            2. Trong Thông tư  20/2014, tại điều 6 hướng dẫn thực hiện, nên quy định một số tiêu chí cụ thể về tình trạng chất lượng đối với máy và dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu bằng cách lập hàng rào kỹ thuật để thay cho quy định chung về tỷ lệ chất lượng còn lại và thời gian sử dụng. Nhìn chung, thiết bị, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng có thể hao mòn vô hình, hữu hình vẫn giữ nguyên tính năng thiết kế ban đầu, đồng thời thỏa mãn được các quy định hiện tại về an toàn lao động, bảo vệ môi trường…, thì vẫn được nhập khẩu. Không cho nhập khẩu máy, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng mà cơ khí trong nước đã sản xuất được.

            3.  Đối với ngành sản xuất công nghiệp cơ khí: Hiện tại trong nước, việc sản xuất máy công cụ rất yếu, hầu như không có doanh nghiệp sản xuất máy công cụ NC, CNC. Trong khi đó các doanh nghiệp cơ khí nhu cầu cấp bách là đổi mới thiết bị và tăng cường năng lực, nhưng nguồn kinh phí và trình độ sản xuất còn thấp, cho nên việc nhập máy công cụ đã qua sử dụng là giải pháp hợp lý cho đa số các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đã thành công đổi mới năng lực sản xuất nhờ thay thế các máy công nghệ lạc hậu bằng các máy cũ nhưng thuộc thế hệ máy NC, CNC, giá chỉ bằng 20-30% máy mới. Vì vậy, trong 5 năm tới, đối với các thiết bị gia công cơ khí, máy công cụ, nên cho phép nhập các máy có thời hạn đã sử dụng tới 10 năm, hao mòn tới 35% nhưng việc gia công vẫn đạt cấp chính xác cần thiết của thiết bị.

            4. Nên đưa các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhập khẩu máy, thiết bị đã qua sử dụng là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện cụ thể có nguồn nhân lực, bến bãi tập kết, phụ tùng, sửa chữa, lắp đặt….

            5. Vì đặc thù của từng lĩnh vực sản xuất và công nghệ, việc đánh giá, thẩm định thiết bị đã qua sử dụng nên có sự tham gia của các Hiệp hội ngành hàng.

Hiệp hội đã gửi công văn số 67/VPHH bổ sung tiếp theo công văn số 60 ngày 20 tháng 8 như sau:

            Mục 3. Đối với ngành sản xuất công nghiệp cơ khí: Hiện tại trong nước, việc sản xuất máy các loại máy công cụ còn rất yếu, hầu như không có doanh nghiệp sản xuất máy công cụ NC, CNC và cả máy công cụ vạn năng... Trong khi đó các doanh nghiệp cơ khí nhu cầu cấp bách là đổi mới thiết bị và tăng cường năng lực, nhưng nguồn kinh phí và trình độ sản xuất còn thấp,

Qua quá trình làm việc thực tế của các Doanh nghiệp sản xuất cơ khí Việt Nam hiện nay, chúng tôi có nhận xét :

- Đối với các máy công cụ gia công: Van năng, NC, CNC..sản xuất từ năm 1986 của các nước như G7, EU (trừ China) khi nhập về Việt Nam đến nay sử dụng vẫn rất tốt, độ chính xác còn rất cao, đáp ứng được nhu cầu gia công cơ khí trong nước và xuất khẩu.

- Khi nhập máy công cụ qua sử dụng có chất lượng nên chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng khoản 20% - 30% chi phí nhập mới. Tránh để Doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ của nước ta vì phải hạn chế năng lực vốn, không có sự chọn lựa khác mà phải chấp nhận đầu tư máy mới với giá thành rẻ, nhưng không đáp ứng được chất lượng, nhu cầu sản xuất cơ khí, đồng thời mất đi cơ hội chọn lựa các máy công cụ đã qua sử dụng nhung vẫn đạt chất lượng cao.

- Rất phù hợp với nhu cầu và năng lực của các Doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ của Việt Nam.

Cho nên việc nhập máy công cụ đã qua sử dụng chỉ nhập máy của các nước: EU/G7 là giải pháp hợp lý cho đa số các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, trong các năm tới, đối với các thiết bị gia công cơ khí, máy công cụ, đề nghị cho phép nhập các máy có thời hạn đã sử dụng tới 12 năm, hao mòn tới 35% (thay cho công văn số 60/VPHH đã gửi ghi là10 năm) nhưng việc gia công vẫn đạt cấp chính xác cần thiết của thiết bị.

Kết quả: Ngày 29-8, Bộ KHCN đã ra Quyết định 2279/QĐ-BKHCN thông báo ngưng thi hành đối với Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1-9.

* Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Góp ý kiến dự thảo Kiến nghị Chính phủ về giải pháp cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc                   

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt nam hoan nghênh sáng kiến của VCCI tổ chức hội thảo và dự thảo bản kiến nghị với Chính phủ về giải pháp cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. sau khi xem xét các điểm đã trình bày tại Hội thảo và qua bản dự thảo này, Hiệp hội có ý kiến sau:

Sửa đổi pháp luật đấu thầu: Do luật đấu thầu sửa đổi mới đưa vào hiệu lực từ ngày 15/8/2014 vì thế Hiệp hội đã kiến nghị về việc sửa đổi luật đấu thầu từ nhiều năm qua do bất hợp lý về tiêu chuẩn đấu thầu giá thấp. Luật đấu thầu sửa đổi vì mới đưa vào nên Hiệp hội đề nghị không đưa mục sửa đổi luật đấu thầu vào bản kiến nghị này nữa.

Hiệp hội đề nghị thay vào đó là những kiến nghị sau:

- Chính phủ sớm chủ trì cuộc họp với Bộ ngành chức năng liên quan để bàn chủ trương giải quyết các dự án của nhà thầu Trung Quốc hoặc bỏ dở, hoặc đình chỉ gây áp lực.

- Cần thực hiện chính sách kích cầu đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm được quy định tại quyết định số 10/2009/QĐ- TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009.

- Khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài để thực hiện vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu theo chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng chính phủ, siết chặt công tác quản lý đối với các dự án có áp dụng hình thức tổng thầu EPC và kiểm tra đánh giá các gói thầu EPC đang thực hiện, trong đó cần ưu tiên các Tổng thầu sử dụng nhiều doanh nghiệp trong nước trong công tác thiết kế, chế tạo thiết bị, tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị số 739/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC.

- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm hạn chế các sản phẩm cơ khí giá rẻ, chất lượng thấp nhập khẩu vào Việt Nam (kể cả thiết bị các công trình Năng lượng, giao thông, công nghiệp khác).

- Phải có cơ chế giảm thuế: VAT cho ngành cơ khí, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuế nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu chưa sản xuất được trong nước để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm cơ khí trong nước.

Ngày 09 tháng 9 năm 2104 thường trực Hiệp hội  tổ chức họp các doanh nghiệp thành viên chuyên ngành chế tạo và lắp ráp ô tô.

b/ Hợp tác với Hiệp hội Dịch vụ Tư vấn Hàn Quốc (KOCSA)

Thường trực Hiệp hội đã tiếp và làm việc với Hiệp hội Dich vụ Tư vấn Hàn Quốc về vấn đề phát triển hợp tác về công nghệ, công nghiệp và thương mại giữa hai Hiệp hội và doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc. Ngày 27 tháng 8 năm 2014 đã diễn ra lễ ký “Biên bản Ghi nhớ về việc phát triển hợp tác về công nghệ, công nghiệp và thương mại giữa hai Hiệp hội và doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc”, nội dung biên bản kèm theo.

Một số hình ảnh buổi họp:

Doanh nghiệp thành viên VAMI phía Bắc góp ý thực hiện chỉ thị 16 và Thông tư 20

 

 

 Doanh nghiệp thành viên VAMI phía Nam  góp ý thực hiện Chỉ thị 16 và Thông tư 20

 

 

 Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 16 và Quyết định 1168/QĐ-TTg về công nghiệp ô tô.


DOANH NGHIỆP THÀNH VIÊN

vami.web68.vn

Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí Việt Nam VAMI

Phòng 401, Số 37 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 04. 3 936 8504